Món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Võ Tây Sơn - Bình Định
HẦM HÔ
Hầm Hô là một trong những khu du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Bình Định; là điểm du lịch sinh thái gắn liền với di tích lịch sử Bảo tàng Quang Trung và nhiều điểm du lịch khác ở huyện Tây Sơn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, khu du lịch Hầm Hô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; hạ tầng du lịch còn nhiều hạn chế, số lượng du khách đến còn khiêm tốn, đặc biệt du khách nước ngoài quá ít.
Hầm Hô - ẩn số tên gọi
Hầm Hô thực chất là một khúc sông có chiều dài khoảng 3 km, được tạo nên từ nhánh sông Đồng Hưu và sông Cát khi cả hai dòng sông này cùng đổ vào dòng Phú Phong. Cái tên “Hầm Hô” có đến 3 cách lý giải khác nhau:
Cách thứ nhất, theo tương truyền xưa kia khi nắng hạn kéo dài, dân làng tới Hầm Hô vào ban đêm để cúng trời đất, sơn thần, thủy thần dâng lễ cầu mưa. Khi lễ cầu mưa bi thiết đã thấu trời đất, thánh thần, thì giữa đêm khuya thanh vắng nghe rõ những âm thanh ào ào như nước cuốn, vù vù như gió bay, lẫn trong ấy có tiếng hô hoán của đông người như tiếng thần linh đang hú gió, gọi mây, vì vậy mà có tên là “Hầm Hô”.
Cách thứ hai, là do Hầm Hô có rất nhiều hòn đá mọc lởm chởm tại miệng hầm nước, khi nhìn sẽ liên tưởng đến hàm răng hô của thiên nhiên nên có tên Hầm Hô.
Cách thứ ba, là tại Hầm Hô có một thác nước cao chừng 6 - 7 m, nước đổ từ trên cao xuống phát ra tiếng vọng giống như tiếng người hô hoán từ trong hầm; đây là cách lý giải dễ nhận thấy nhất, có cơ sở khoa học và thực tiễn khi du khách đến Hầm Hô.
Ngoài cái tên Hầm Hô, nơi này còn có tên Thác Cá Bay; bởi trước đây sông, suối Hầm Hô còn có nhiều loài cá như cá đá, cá mương, cá niên, cá trắng, cá chép, cá ngựa, cá trôi... Mùa mưa, từng đàn cá từ sông Côn ngược dòng lên nguồn Ðá Hàng để sinh sản, chen chúc nhảy lên vượt thác, vì vậy nơi này còn có tên Thác Cá Nhảy hay Thác Cá Bay. Ngoài ra, tục xưa truyền rằng, hàng năm các loài cá tề tựu về đây để vượt thác, con nào vượt được thì hóa rồng, nên thác này còn được gọi là Thác Vũ Môn. Tuy nhiên, hiện nay do quá trình đánh bắt không kiểm soát và biến đổi khí hậu nên cá còn rất ít, do đó không còn hiện tượng cá bay như mấy chục năm về trước nữa.
Tuy nhiên đến tận bây giờ chưa có công trình khoa học nào xác định địa danh Hầm Hô có từ bao giờ và do ai là người đầu tiên đặt tên.
Tiến sĩ Phạm S vừa là nhà quản lý, vừa là nhà khoa học, có nhiều kinh nghiệm trong chỉ đạo phát triển du lịch xanh. Với tình cảm sâu sắc đối với vùng đất võ Tây Sơn, nhiều năm qua ông đã âm thầm nghiên cứu và đề xuất các giải pháp góp phần để khu du lịch Hầm Hô phát triển tương xứng với tiềm năng, nâng tầm thương hiệu tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế.
Báo Bình Định trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng.
Nơi địa linh nhân kiệt
Hầm Hô là vùng đất địa linh nhân kiệt, là địa danh lịch sử.
Hầm Hô là một trong những căn cứ của nghĩa quân Tây Sơn ngày dấy nghĩa, luyện quân, rèn chí, kiên trì binh pháp, góp phần làm nên chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vào sáng ngày mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30.1.1789). Như vậy, các chiến thắng oai hùng trước 5 vạn quân Xiêm và 29 vạn quân Thanh của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đều khởi sự luyện quân, rèn chí ở Hầm Hô. Tài năng của anh hùng giải phóng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ bao quát trên nhiều lĩnh vực nhưng lĩnh vực tỏa sáng nhất là quân sự. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, từ tuổi 18 tham gia khởi nghĩa cho đến lúc từ trần ở tuổi 39, Nguyễn Huệ chỉ có thắng, chưa hề bại và những chiến công chói lọi của ông được ghi vào sử sách không chỉ quốc gia mà còn ở quốc tế.
Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, việc chặn sông, xây đập tích nước vào đồng khá phát triển ở Bình Định. Ở tỉnh Bình Định có 3 con sông chính: sông Lại Giang, sông La Tinh và sông Côn cùng nhiều chi lưu, bên cạnh hệ thống bờ xe nước, hệ thống đập bổi được người xưa sử dụng ở hầu hết các tuyến sông này để đưa nước về đồng.
Hệ thống đập bổi được đắp tương đối sớm, có số lượng nhiều, phân bố khá đậm đặc và dấu tích miếu thờ các bậc tiền hiền còn tồn tại nhiều ở khu vực hạ lưu sông Côn thuộc thị xã An Nhơn và các huyện Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát.
Torre dos Clérigos. The most iconic and visible of Porto's many Baroque buildings.
Torre dos Clérigos. The most iconic and visible of Porto's many Baroque buildings.
Ponte Luiz I. A cast iron bridge in the middle of Porto's old town. Look familiar? It was designed by a disciple of Gustave Eiffel.
Ponte Luiz I. A cast iron bridge in the middle of Porto's old town. Look familiar? It was designed by a disciple of Gustave Eiffel.
A modern tilt to the Baroque landscape: the Casa da Música
A modern tilt to the Baroque landscape: the Casa da Música
If you aren't stopping for custard tarts, you aren't doing Porto right.
If you aren't stopping for custard tarts, you aren't doing Porto right.
Tại Hầm Hô, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn có hai anh em ông Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng đã có công xây dựng đập Hầm Hô. Ngay tại cổng vào Hầm Hô, có đền thờ hai vị tiền hiền Lê Kim Bôi và Lê Kim Bảng. Hàng năm, vào ngày 20 tháng Giêng, tại đây có lễ cúng trang nghiêm của người dân đối với tiền nhân và ngày này trở thành ngày hội của Hầm Hô.
Trên 200 năm trước, danh tướng Võ Văn Dũng chọn đây làm nơi rèn quân, tập võ để nghĩa quân Tây Sơn phất cờ khởi nghĩa. Ông là một trong những vị tướng tài ba, được ca ngợi đứng đầu Tây Sơn thất hổ tướng của nghĩa quân Tây Sơn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nữ tướng Bùi Thị Xuân cũng chọn Hầm Hô mở nơi huấn luyện voi để hợp lực với thủ lĩnh Tây Sơn khởi nghĩa và làm nên chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi - Đống Đa.
Anh hùng Mai Xuân Thưởng là “thủ lĩnh tối cao của phong trào Cần Vương phía Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận”; là Nguyên soái quân Cần Vương tại Bình Định từ giữa năm 1885 đến giữa năm 1887. Lợi dụng địa hình, địa mạo sông nước và núi rừng hiểm trở của Hầm Hô, nghĩa quân do ông chỉ huy đã khiến giặc Pháp gặp nhiều tổn thất và khiếp sợ khi nhắc đến địa danh này.
Năm 1995, Hầm Hô được UBND tỉnh Bình Định công nhận là thắng cảnh bởi vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú và là nơi thiêng liêng về văn hóa lịch sử. Hằng năm, vào chiều mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, người dân Bình Định và du khách cả nước lại náo nức du xuân, dự lễ hội Đống Đa tại Bảo tàng Quang Trung để tưởng nhớ công tích lẫy lừng của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Du khách khi đến thăm bảo tàng Quang Trung không thể không tham quan khu du lịch sinh thái Hầm Hô, bởi nơi này có nhiều mối quan hệ với nghĩa quân Tây Sơn, ghi nhận biết bao dấu ấn lịch sử của dân tộc. Qua gần 1/4 thiên niên kỷ, Hầm Hô vẫn còn các di tích lịch sử như hang Bảy Cử, dinh tiền hiền mà du khách không thể bỏ lỡ khi đến Tây Sơn - Bình Định.
Thiên nhiên độc đáo, hoang sơ, hùng vĩ
Không gian vừa phải để lôi cuốn du khách thập phương: Khu du lịch Hầm Hô nằm trên địa bàn xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách thành phố Quy Nhơn 50km về hướng Tây Bắc và cách Bảo tàng Quang Trung khoảng 9 km về phía Nam. Du khách đi từ Quy Nhơn đến ngã tư thị trấn Phú Phong thì nhìn vào hướng tay trái hoặc nếu từ Gia Lai đi xuống thì hướng tay phải sẽ có bảng chỉ dẫn đường đến Hầm Hô. Khu du lịch sinh thái Hầm Hô thuộc quản lý của Công ty CP du lịch Hầm Hô Rosa Alba.
Dòng sông Phú Phong chảy từ chân của dãy núi Trường Sơn, với phong cảnh hai bên bờ là những khu rừng xanh ngát, phía trên là những ngọn núi nhấp nhô tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng hoang sơ hùng vĩ, làm cho du khách khi đến đây luôn có cảm giác quỹ thời gian còn quá ít trước khi trở về. Hầm Hô hội tụ những gì tinh túy nhất của thiên nhiên: Có núi, có rừng, có thú, có chim trên núi, có cá dưới sông, có nước dưới chân, có trời xanh cao vút, do đó không ngoa khi nói rằng Hầm Hô là một tuyệt tác thiên nhiên.
Hầm Hô là tuyệt tác thiên nhiên: Phong cảnh Hầm Hô nhìn đâu cũng đẹp, như một bức tranh sơn thủy hữu tình do thiên nhiên ban tặng. Đến đây, du khách sẽ được nghe những âm thanh từ thiên nhiên, là tiếng chim líu lo gọi đàn, tiếng suối rì rào như bản hợp xướng, tiếng gió thổi du dương như lời ai mời gọi.
Rất nhiều cụm đá lớn xuất hiện dưới lòng sông như ai đã khéo léo làm nên, nhưng thực ra thiên đường đá ấy chính là mẹ thiên nhiên đã sắp sẵn từ hàng ngàn năm trước. Sự độc đáo, hiếm có đó đã tạo nên điểm đặc biệt khác lạ cho Hầm Hô so với các khu du lịch khác ở Việt Nam và thế giới; và đây chính là vẻ đẹp đặc trưng riêng có của khu du lịch Hầm Hô. Đến đây du khách không chỉ có cơ hội tham quan thắng cảnh Đập Hầm Hô, Thác Cá Bay mà còn biết đến nhiều địa danh độc đáo bắt nguồn từ chữ "Đá" như: Đá Đôi, Đá Dựng, Đá bóp vú, Đá Trải, Đá Bàn Cờ, Đá Chùm…
Hầm Hô có hệ sinh thái rừng tự nhiên với tính đa dạng sinh học cao, nhiều loại cây gỗ quý, chim quý, nhiều thú tự nhiên, có dòng nước quanh năm không bao giờ cạn. Có lẽ không có con sông nào ở Việt Nam mà suốt chiều dài trên 10 km lại có nhiều đá phủ đầy mặt nước, với tầng tầng lớp lớp hòn đá lớn nhỏ khác nhau, hình thù độc bản do nước bào mòn, nhào nắn hàng ngàn năm mà thành. Ngoài ra, mặt nước ở đây kết hợp cả bốn trong một mà hiếm điểm du lịch nào có được: Vừa có thác cao đổ, vừa có dòng sông, vừa có suối, vừa có hồ, tạo nên một bức tranh thủy mặc luôn quyến rũ du khách gần xa.
Nơi giao thoa năng lượng giữa trời và đất
Cùng với cảnh quan núi rừng và sông nước hữu tình, vừa hoang sơ, vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng, Khu du lịch sinh thái Hầm Hô còn có nhiều dịch vụ giải trí hấp dẫn du khách như khám phá các thiên đường đá, trải nghiệm hệ sinh thái rừng, đạp xe trên nước, bơi thuyền thể thao, tắm suối, câu cá, chèo thuyền trên sông Kut, BBQ, đốt lửa trại, chương trình biểu diễn nghệ thuật...
Trải nghiệm các dịch vụ nghỉ ngơi, vui chơi giải trí ở đây, du khách sẽ thấy mình như trở về với thiên nhiên, hòa mình vào nơi giao thoa năng lượng giữa đất và trời.
Ẩm thực riêng có từ thiên nhiên ban tặng và kết tinh của vùng đất võ Tây Sơn - Bình Định
Du khách đến với Khu du lịch Hầm Hô sẽ được cung cấp các dịch vụ ẩm thực từ thiên nhiên đặc hữu tại Hầm Hô hay ở Tây Sơn như cá mương chiêng, cá niên nướng… Các món đặc sản được chế biến theo bí quyết riêng khá độc đáo, như: cà tím xào lá lốt, gỏi bắp bò hoa chuối, canh bí đỏ nước cốt dừa, nộm măng rừng rau chua lẻ, cá bống sông Côn kho tộ, gié bò. Đặc sản riêng có của Tây Sơn là chim mía nướng sả ớt, thưởng thức cùng rượu đậu xanh Tây Sơn, rượu Bàu Đá nổi tiếng xứ nẫu..., du khách khi đến đây chỉ ăn một lần mà nhớ cả đời.
Thời gian được tham quan nhiều trong năm là lợi thế so sánh
Khoảng thời gian du khách có thể đến khu du lịch Hầm Hô là từ tháng 12 năm trước đến tháng 9 năm sau, mỗi mùa mỗi vẻ đẹp riêng, chỉ cần tránh những ngày mưa. Lý tưởng nhất là vào tháng 1 đến tháng 7, trời trong xanh cao vút, xen lẫn những đám mây trôi lơ lửng bay qua như có ai che dù cho đỡ nắng, có ánh nắng vàng rơi chiếu thẳng từng hòn đá hoa cương tạo khúc xạ lấp lánh tự nhiên bên dòng sông xanh biếc, hòa quyện cùng màu xanh của cây rừng hai bên bờ sông. Lúc này thời tiết khô ráo, khí hậu ôn hòa, mát mẻ nên rất thuận lợi cho các hoạt động vui chơi, giải trí, đặc biệt khám phá hệ sinh thái rừng và các trò chơi dưới nước.
Tuy nhiên du khách nên tránh đi vào tháng 10-11 âm lịch, vì thời điểm này thường có mưa lũ, nên rất nguy hiểm không an toàn cho tham quan, du lịch.
Cảnh quan sinh thái vừa mang đậm văn hóa miền Trung vừa khơi gợi văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ
Toàn bộ khu du lịch có diện tích 90 ha, trong đó khu bảo vệ di tích 15 ha, không gian bên trong khu soát vé là cảnh quan thiên nhiên kết hợp hài hòa với cảnh quan nhân tạo, nhiều vườn cây ăn quả và cây cảnh xen lẫn với cảnh vườn mang đậm nét văn hóa miền Trung; đồng thời có những lạch nước và dòng suối len lỏi trước khi ra hồ giúp cho du khách từ miền Bắc và miền Trung chỉ đến đây mà chưa có dịp đến miền Tây sông nước, thì cũng mường tượng hình dung như cảnh sông nước miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Ngồi thuyền xuôi dòng sông và thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên với biết bao ý tưởng tương lai là một trải nghiệm thú vị mà bất kỳ ai đến Khu du lịch sinh thái Hầm Hô đều không muốn bỏ lỡ.
Sự trăn trở, kỳ vọng của lãnh đạo các cấp về khu du lịch Hầm Hô - điểm đến hấp dẫn du lịch xanh của tỉnh Bình Định trong tương lai
Trong quá trình nghiên cứu, tôi đã có nhiều dịp gặp các đồng chí lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định và huyện Tây Sơn; tôi đã gặp đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vào ngày 14.8.2023, đồng chí Nguyễn Xuân Dương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định và đồng chí Phan Chí Hùng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn vào ngày 11.2.2024. Sau khi trao đổi những vấn đề về phát triển du lịch Hầm Hô, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định và lãnh đạo huyện Tây Sơn đều thể hiện nhiều tâm huyết cho sự phát triển bền vững đối với khu du lịch này.
Qua trao đổi công việc, tôi luôn lắng nghe và trân trọng những trăn trở của các đồng chí, vì luôn đau đáu làm sao để khu du lịch Hầm Hô có thương hiệu nổi tiếng như các khu du lịch ở một số địa phương: Quảng Ninh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Thuận… Đây là vấn đề cốt lõi, quan trọng từ sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo các cấp, để các cơ quan chức năng và Công ty CP du lịch Hầm Hô Rosa Alba có những chính sách sát thực tế, với kỳ vọng Hầm Hô sẽ phát triển đột phá trong tương lai.
Những hạn chế cần khắc phục để khai thác giá trị tiềm năng khu du lịch Hầm Hô
Công tác tuyên truyền chưa được quan tâm thường xuyên: Qua theo dõi nhiều năm, chúng tôi nhận thấy tiềm năng Hầm Hô bởi tính thiên nhiên hoang sơ và nhiều sự khác biệt về thiên nhiên và văn hóa lịch sử tầm quốc gia và quốc tế, song công tác tuyên truyền trong thời gian qua rất khiêm tốn, rất ít cơ quan truyền thông địa phương và quốc gia quảng bá về tính độc đáo của khu du lịch này.
Qua gần 2 tháng năm 2024 cũng chưa có bài báo nào viết về khu du lịch Hầm Hô; hoặc nếu quý vị vào google gõ khu du lịch Hầm Hô (vào lúc 11h, sáng 16.2.2024) chỉ xuất hiện 842.000 kết quả thì quá khiêm tốn về mặt truyền thông đối với một khu du lịch, trong khi đó google gõ khu du lịch Thung Lũng Tình yêu Đà Lạt thì có 9.880.000 kết quả (cao hơn 11,74 lần).
Khi tôi giao lưu với nhiều người thân ở khu vực các tỉnh lân cận Bình Định như: Gia Lai, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận, tôi có giới thiệu khu du lịch Hầm Hô Bình Định, theo tôi là một tuyệt tác thiên nhiên, thì hầu như những người thân này chưa biết và chưa ghé đến đây bao giờ.
Hạ tầng giao thông chưa thông suốt đảm bảo đưa đón lượng du khách lớn: Từ quốc lộ 19 vào khu du lịch Hầm Hô 7 km, song mặt đường quá nhỏ và nhiều đoạn xuống cấp nghiêm trọng, chỉ đảm bảo cho xe con và xe 7 chỗ, còn xe 45 chỗ vào rất khó khăn, do đó khó tiếp cận đón du khách đoàn, đặc biệt là các đoàn du khách quốc tế và học sinh, sinh viên đi trải nghiệm.
Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa đáp ứng yêu cầu du khách chất lượng cao: Hạ tầng du lịch tuy có đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu du khách chất lượng cao có nhu cầu nghỉ lại và các tiện ích kèm theo; chưa có thiết kế và xây dựng phòng nghỉ dạng bungalow sang trọng gần gũi với thiên nhiên; chưa xây dựng các phòng hội nghị, hội thảo để khai thác du lịch hội nghị, hội thảo văn hóa, du lịch và khoa học công nghệ trọn gói tại khu du lịch này. Chưa đủ điều kiện nhân lực và kỹ thuật triển khai các tour du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá thiên nhiên, du lịch nghiên cứu khoa học… Việc gia cố các khu vực nguy hiểm trên các địa danh tham quan vô tình làm mất tính độc đáo thiên nhiên như xây gạch, xây đá chẻ…
Chưa đầu tư tổng thể kết nối không gian du lịch để đón du khách tương xứng với tiềm năng: Nhà đầu tư chưa thực hiện truyền thông đa phương tiện; chưa kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong và ngoài nước, do đó số lượng du khách hàng năm đến Hầm Hô còn quá khiêm tốn so với một điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, trung bình những năm gần đây chỉ đón 40.000 - 42.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế chỉ khoảng 200 - 250 lượt người (chiếm 0,59%);
Đầu tư và tôn tạo cảnh quan chưa được chú trọng: Việc tôn tạo cảnh quan chưa được đầu tư đúng mức, do đó chưa có nhiều cảnh đẹp ngay từ nơi đón tiếp du khách và các tiểu cảnh bên trong khu du lịch để thu hút du khách đến check - in, trong khi đây là nhu cầu hầu hết của du khách khi đến một khu du lịch. Đặc biệt, trong khắc phục sự trơn trượt ở các khe đá, cần chú ý chọn những viên đá tự nhiên và khéo léo đặt vào cho ăn khớp, chắc chắn; tuyệt đối không được đưa gạch, đá chẻ và xi măng vào đắp một cách miễn cưỡng, làm mất đi vẻ đẹp hoang sơ mà thiên nhiên kỳ thú ban tặng ngàn đời.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế và những hạn chế, bất cập; nhằm để phát triển bền vững khu du lịch Hầm Hô trong xu thế hội nhập toàn cầu, chúng tôi đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây
1. Tăng cường công tác tuyên truyền toàn diện về khu du lịch Hầm Hô: Chú trọng có giải pháp đồng bộ tuyên truyền về tiềm năng lợi thế so sánh về cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử độc đáo riêng có, có 1-0-2 tầm quốc gia và quốc tế; các cơ chế chính sách tập trung cho Hầm Hô phát triển bền vững; đặc biệt tuyên truyền giá trị văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa con người Tây Sơn nói riêng nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Đặc biệt có thể xem người dân quê gốc ở Bình Định hiện đang công tác và sinh sống khắp mọi miền đất nước (hiện chưa có thống kê đầy đủ, khoảng trên 100 ngàn người) là một lực lượng tuyên truyền cực kỳ quan trọng. Mỗi người dân gốc Bình Định hãy là là một sứ giả du lịch để giới thiệu và quảng bá Hầm Hô; bởi nơi đây không chỉ là khu du lịch sinh thái bình thường mà còn là nơi thiêng liêng địa linh nhân kiệt để khai thác du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; giáo dục văn văn hóa lịch sử hướng về cội nguồn một địa danh gần 1/4 thiên niên kỷ;
2. Chú trọng đầu tư đầu tư và tôn tạo cảnh quan ngay trong quý I/2024 và liên tục trong các năm tiếp theo: Một khu du lịch đẹp ấn tượng hay không là vấn đề tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó ngay trong quý I/2024 và liên tục trong các năm sau Công ty luôn dành một khoản ngân sách nhất định để trồng cây cảnh quan, trồng các giống hoa xứ nóng như: Hoa Hồng, hoa cúc Mâm Xôi, cúc Đồng Tiền, cúc Kim Cương, cúc Tia, Đại Phú, Chiều Tím, Dạ Yến Thảo, hoa Bướm đa màu, Thạch Thảo đỏ, Tuyết Sơn, Hồng Phụng, Bông Giấy, Mai Vàng… Chú ý chọn các loại hoa màu vàng bán gỗ để tương phản với màu xanh của núi rừng, đồng thời tạo cảnh sắc riêng có của Hầm Hô như các cây: Huỳnh Liên, Hoàng Yến, Huỳnh Anh, Mai Hoa Đăng… Đặc biệt Công ty cử nhân viên có trình độ, hiểu biết về sinh học hoặc du lịch sinh thái sang một số vườn thực vật nổi tiếng trên thế giới để chuyển giao công nghệ nguồn gen mới về trồng tại khu du lịch Hầm Hô mà hiện nay ở Việt Nam chưa có như: cây Đại Hoàng khổng lồ là cây lá lớn nhất thế giới (đường kính lá từ 2,8 -3,3m), cây xác thối là cây có hoa lớn nhất trên thế giới (hoa cao 2,5m), cây xúc xích là một trong những loại cây có quả lớn nhất thế giới (10 kg/ quả). Đây là việc làm rất ý nghĩa không tốn nhiều chi phí, không bê tông hóa mà gần gũi với với thiên nhiên, phù hợp với du lịch xanh. Nếu thực hiện được việc này sẽ tạo nét đặc trưng riêng có của Hầm Hô, tạo đột phá thu hút du khách đến tham quan những loài thực vật có 1-0-2 ở Việt Nam hiện nay. Việc đầu tư tạo cảnh quan và bảo vệ môi trường sinh thái sẽ có nhiều cảnh đẹp ngay từ nơi đón tiếp và các tiểu cảnh bên trong khu du lịch nhằm quyến rũ du khách đến check - in tạo cảnh quan hấp dẫn đối với du khách thập phương;
3. Đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng chuyển đổi số trong chiến lược kinh doanh: Có chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực; tiến hành đồng thời đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ và thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác quản trị và nghiệp vụ tương ứng với tầm nhìn dài hạn. Phát hiện và bồi dưỡng nguồn nhân lực để đào tạo và đào tạo lại có chuyên sâu về lĩnh vực du lịch, đặc biệt là du lịch xanh. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong tất cả quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của khu du lịch Hầm Hô trở thành khu du lịch xanh và bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu tầm quốc gia và quốc tế;
4. Mở rộng không gian phiên chợ cuối tháng của huyện Tây Sơn: Đây là vấn đề mới song rất phù hợp với người dân địa phương và xu thế phát triển du lịch xanh, do đó trong thời gian tới huyện Tây Sơn giao cho các cơ quan chức năng xây dựng đề án mô hình chợ phiên vào thứ Bảy tuần cuối của tháng tại một vị trí phù hợp, khu vực bãi trống ngoài trời của khu du lịch Hầm Hô để quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề và giao lưu văn hóa, tạo không gian văn hóa ẩm thực của người dân Tây Sơn với du khách;
5. Khai thác cảnh quan thiên nhiên hợp lý: Tổ chức quy hoạch không gian khu du lịch với tầm nhìn dài hạn và quá trình toàn cầu hóa với biến đổi khí hậu toàn cầu, mở rộng không gian khoảng 450 - 500 ha, quy hoạch tổng thể tầm nhìn đến năm 2050 cho các khu chức năng du lịch Hầm Hô như: Trung tâm du lịch chính mang tính chất trung tâm tập trung hầu hết các sản phẩm và dịch vụ đặc trưng với quy mô lớn của khu du lịch, các điểm độc đáo trên sông; khu bảo vệ di tích, khu vực bảo vệ cảnh quan; du lịch lòng hồ mặt nước; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, tuyệt đối không để người dân khai thác trái phép cây Lộc Vừng ở đây; khai thác nhiều hơn các hoạt động du lịch, tổ chức các tour du lịch sinh thái dài ngày, du lịch nghiên cứu khoa học đa dạng hệ sinh thái rừng; chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để đăng cai các cuộc thi thể thao dưới nước cấp huyện và cấp tỉnh;
6. Nâng cấp mở rộng hạ tầng giao thông nhằm đảm bảo đưa đón lượng du khách lớn: Trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2025 -2030, UBND tỉnh Bình Định quan tâm đầu tư nâng cấp và mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 19 vào, phục vụ việc đi lại của bà con các xã phía Nam của huyện Tây Sơn và khu du lịch Hầm Hô. Đồng thời Sở giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho mở tuyến xe bus không chỉ qua thị trấn Phú Phong mà còn vào đến khu du lịch Hầm Hô nhằm để thu hút du khách đến từ đa phương tiện; tổ chức hệ thống hạ tầng kết nối phải đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật liên quan và thích ứng với biến đổi khí hậu;
7. Triển khai đồng bộ quy hoạch của Chính phủ: Tổ chức triển khai đồng bộ và quyết liệt Quyết định số 1619/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bình Định nói chung và phân bố phát triển du lịch sinh thái thì khu du lịch sinh thái Hầm Hô thuộc cụm du lịch Tây Sơn - An Nhơn và vùng phụ cận với các thế mạnh khai thác là các nguồn tài nguyên nhân văn mà tiêu biểu là các di tích liên quan đến vua Quang Trung gắn với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn…; chú trọng đầu tư toàn diện phát triển khu du lịch Hầm Hô trở thành khu du lịch xanh tầm cỡ quốc gia và đẳng cấp quốc tế;
8. Xem quảng bá thương hiệu là đầu tư tài sản vô hình để tạo đột phá cho sự phát triển bền vững: Các cơ quan chức năng và doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy những thành quả khu du lịch Hầm Hô trong thời gian qua; phát huy giá trị nhân văn; tiếp tục quảng bá thương hiệu địa phương Hầm Hô bằng nhiều hình thức; chuyển biến mạnh mẽ du lịch từ số lượng sang chất lượng cao. Cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền về du lịch xanh, bền vững; các chương trình truyền thông giáo dục có thể được tổ chức phong phú đa dạng bằng nhiều hình thức để mỗi người dân Bình Định hiện đang ở quê hương hay sinh sống nơi đâu là một đại sứ du lịch để giới thiệu cho du khách những nét độc đáo riêng có về khu du lịch xanh Hầm Hô; khuyến khích du khách thực hiện các hành động bảo vệ danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa và môi trường thiên nhiên khi tham gia vào các hoạt động du lịch ở Hầm Hô trong thời gian tới.
Với tình cảm đối với khu du lịch Hầm Hô, nơi có cảnh quan hùng vĩ, tác giả tặng bài thơ để quảng bá khu du lịch Hầm Hô với du khách
HẦM HÔ TUYỆT TÁC THIÊN NHIÊN
Hầm Hô cảnh sắc như tranh
Không gian rừng nước màu xanh vẫy chào
Rừng xanh xanh mãi trên cao
Đá nằm dưới nước biết bao nhiêu hòn.
Hầm Hô nhiều thác, suối con
Danh lam thắng cảnh núi non lạ thường
Làm cho du khách vấn vương
Mỗi chuyến du lịch tình thương nhớ về
Hầm Hô xứ nẫu, vùng quê
Tây Sơn - Bình Định ai về ghé thăm
Cảnh quan hùng vĩ ngàn năm
Tình yêu du khách xa xăm vẹn toàn!
Có thể nói Khu du lịch Hầm Hô là vùng đất được sở hữu nhiều di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có nhiều tiềm năng vô giá để khai thác các loại hình du lịch chất lượng cao như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh… Khai thác giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là một cách hiệu quả để phát triển du lịch xanh, bền vững ở Hầm Hô.
Việc bảo tồn và khai thác giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ giúp tạo ra thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương mà còn đóng góp vào việc bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy nhận thức về bảo tồn bền vững. Sự hợp tác giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch Hầm Hô. Thông qua việc khai thác hợp lý và bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, Hầm Hô sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương hiện tại và tương lai.